daongocphuquoc
Lặn biển Sơn Trà
Từ chân cầu tàu Thọ Quang (bán đảo Sơn Trà), chiếc thuyền cá loại 22 mã lực đưa đoàn khảo sát chúng tôi (gồm 2 chuyên gia lặn biển người Pháp: ông Joel và bà Minh Thu Botté) và Ban quản lý bán đảo Sơn Trà rẽ sóng thẳng hướng ra mũi Nghê. Mất khoảng một giờ ngồi thuyền máy, đoàn đã đến mũi Nghê
Mũi Nghê
Với hình dạng một con sư tử chồm ra biển hướng đông bắc - nơi đón tia nắng đầu tiên trong ngày của thành phố Đà Nẵng - mũi Nghê là địa điểm lý tưởng mà các nhà thiết kế tour du lịch quanh bán đảo Sơn Trà chọn để triển khai dịch vụ lặn biển. Theo kinh nghiệm của nhiều lão ngư ở các làng chài ven vịnh Đà Nẵng, chung quanh mũi Nghê nhiều vô kể cá mú, cá hồng... Chỉ cần thả câu dăm phút thôi, du khách đã có thể tóm được một vài chú cá cân nặng không dưới 1kg.
Xem san hô và cá lạ...
Ngay sát mũi Nghê, những ghềnh đá thoai thoải xen lẫn với triền cát là bãi Tranh, bãi Nồm - những nơi nghỉ ngơi lý thú cho đắm mình trong làn nước biển mát rượi hoặc dạo chơi, tắm nắng. Lặn biển, tha hồ ngắm những thảm san hô rực rỡ sắc màu. Điểm độc đáo của bãi Tranh là các rặng san hô mọc sát bờ, chỉ cần vài sải bơi là có thể thấy những đàn cá chủ yếu là họ cá thia, họ cá Bàng chài, họ cá Bướm, cá Thần tiên…
Thả neo dừng chân quanh hòn Sụp - vị trí nằm gần bãi biển Thọ Quang. Hòn Sụp nước không sâu, chỉ chừng 3 - 4 mét, và nhìn đến tận đáy, thấy rõ từng cây san hô to. Theo số liệu khảo sát mới nhất, Hòn Sụp có khoảng chừng 58 loài san hô. Đặc biệt lượng cá sống quanh hòn Sụp được xếp vào nơi có nhiều chủng loại và số lượng nhất: 162 loài thuộc 77 giống cá khác nhau.
Và hơn như vậy
Cái lý của những nhà đầu tư khi đi khảo sát bán đảo Sơn Trà trước khi đi đến quyết định đầu tư dự án lặn biển quốc tế là sự đa dạng của động, thực vật. Từ những thảm cỏ mềm, các loài tảo, bào ngư, ốc đụn đến các rặng san hô, những đàn cá biển nhiều chủng loại. Và một điều khiến nhà đầu tư tâm đắc nhất: chỉ mất 20 phút, du khách sẽ thoả sức vẫy vùng, khám phá đáy biển.
Công ty Coral Reef Dive Center - Trung tâm bơi lội thuộc Hiệp hội Bảo tồn rạn san hô thế giới đóng tại Nha Trang vừa có tờ trình chính thức gửi UBND TP Đà Nẵng xin đầu tư dự án Câu lạc bộ thể thao giải trí biển quốc tế tại bán đảo Sơn Trà. Theo tờ trình thì dự án được xây dựng gồm các hạng mục khu thể thao trên biển như thuyền buồm, lướt ván, kéo dù, lặn biển; khu resort gồm 12 bungalow theo kiến trúc Pháp, hồ bơi, vườn hoa, thảm cỏ... Tổng mức đầu tư của dự án là 4 triệu USD. Nếu được cấp phép, năm 2007 dự án sẽ khởi động.
Tiềm năng lớn tại mũi Nghê
Dưới lòng biển Sơn Trà có một hệ động thực vật phong phú
Theo điều tra nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Văn Long - Viện Hải dương học Nha Trang, tại mũi Nghê có 4,5ha diện tích vùng biển có san hô sống. Ngoài ra, nhiều vị trí khác cũng có như bãi Bắc (7,3ha), hục Lỡ (7,1ha), vũng Đá (6,3ha), bãi Nồm (14,1ha)... Trong 3 quần xã san hô tạo rặng được khảo sát, có 52 loài thuộc 26 giống và 11 họ san hô cứng, trong đó họ Faviidae có nhiều nhất (20 loài), tiếp đến là loài Acroporidae (11 loài)... Ngoài ra, còn có các giống cá xuất hiện trong các rạn san hô. Trong đó, khu vực hục Lỡ, hòn Sụp có số loài nhiều nhất.
Hà Giang